Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Vitamin nhóm B rất cần thiết đối với cơ thể. Đây là hợp chất hòa tan, không lưu lại trong cơ thể lâu nên cần phải bổ sung thường xuyên qua những thực phẩm dùng hàng ngày. Vitamin nhóm B bao gồm vitamin B1, vitamin B2, niacin, folate, vitamin B6, B12, biotin và pantothenie acid.

Vitamin B1 (thiamin)
B1 giúp cơ thể chuyển hóa carbonhydrates, rượu, mỡ khi ăn vào thành năng lượng, có nhiều trong rau xanh hoa quả, thịt động vật, sữa, trứng, thực phẩm dạng hạt... Đây là loại vitamin hòa tan nên rất dễ bị tổn thất khi chế biến quá kỹ, nhất là trong trường hợp bổ sung thêm bicarbonate soda vào nước sẽ làm trôi nhanh nguồn dưỡng chất này.
Khẩu phần vitamin B1 khuyến cáo nên dùng đối với người lớn là 0,4 mg/ 1.000kcal. Thiếu hụt vitamin B1 có thể làm cho cơ thể mắc phải bệnh tê phù, ngược lại nếu dùng dài kỳ ở liều 3g B1/ngày có thể để lại phản ứng phụ nguy hiểm.

Vitamin B2 (riboflavin)
giúp thực phẩm khi ăn vào biến thành năng lượng, ngoài ra nó còn có nhiệm vụ tạo ra một số enzyme quan trọng. Vitamin B2 có nhiều trong sữa, bơ, trứng, ngũ cốc, thịt, sản phẩm thịt.... và rất dễ bị khử bởi ánh sáng tự nhiên, vì vậy thực phẩm khi mua về nên dùng ngay, tránh phơi ra ánh nắng mặt trời, kể cả sữa.
Hàng ngày cơ thể cần khoảng 1,1mg Vitamin B2 (đối với phụ nữ) và 1,3mg (đối với nam). Nếu thiếu hụt vitamin B2 dễ mắc bệnh răng miệng. Vitamin B2 là loại hợp chất không hòa tan nên rất ít khi để lại phản ứng phụ gây ngộ độc
Vitamin B3 (niacin)
Niacin là dưỡng chất rất cần cho cơ thể để hình thành các loại enzyme quan trọng và chuyển hóa năng lượng từ nguồn thức ăn đầu vào. Vitamin B3 có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, sản phẩm thịt, bánh mì, ngũ cốc tăng cường, khoai, sữa, cá,... Liều dùng khuyến cáo 6,6 mg/1.000kcal cho mọi lứa tuổi, riêng phụ nữ cho con bú nên bổ sung thêm 2,3 mg/ngày.
Thiếu hụt vitamin B3 có thể gây bệnh pellagra, làm xạm đen hoặc tróc vảy da khi phơi ra ngoài nắng. Nếu dùng liều cao từ 3-6g/ngày có thể gây tổn thương gan, gây cháy nắng mặt và da.
Vitamin B6 (pyridoxine)
Vitamin B6 rất cần cho quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể và là hợp chất quan trọng cho việc tạo haemoglobin (huyết sắc tố, chất tạo nên màu đỏ của tế bào hồng cầu), máu cho cơ thể. Vitamin B6 có nhiều trong thực phẩm truyền thống như ngũ cốc, hoa quả, rau xanh dạng lá và gan động vật. Liều dùng khuyến cáo tùy thuộc vào lượng protein tiêu thụ của mỗi người, trung bình từ 15mg trên mỗi gam protein. Nếu lạm dụng, dùng trên 50 mg/ngày có thể gây ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh. Tại Mỹ người ta khuyến cáo không được dùng quá 10mg/ngày, trừ khi có đơn của bác sĩ.
Folate (folic acid)
Folate có nhiệm vụ tạo tế bào máu và giúp tế bào máu phát triển, giúp phụ nữ mang thai giảm thiểu bệnh khuyết tật ống thần kinh, để trẻ phát triển cột sống và não hoàn hảo. Folate có nhiều trong các loại thực phẩm chúng ta dùng hàng ngày, kể cả trong rau xanh, khoai tây, ngũ cốc tăng cường, bánh mì, thực phẩm dạng hạt, đậu đỗ,... Folate rất dễ bị tổn thất khi nấu nướng trong nước. Liều dùng khuyến cáo 200µg/ngày đối với người lớn. Phụ nữ mang thai nên bổ sung 60-100µg/ngày và có thể dùng folate cho đến tuần mang thai thứ 12, riêng những người đang có kế hoạch sinh con thì bổ sung khoảng 400µg/ngày để làm giảm khuyết tật ống thần kinh phôi cho trẻ em tương lai.
Thiếu hụt folate có thể gây thiếu máu, nhất là những người có khẩu phần ăn nghèo dưỡng chất, hoặc gây bệnh đường ruột. Sử dụng liều cao có thể ảnh hưởng việc hấp thụ kẽm của cơ thể. Gan là thực phẩm rất giàu folate nhưng phụ nữ mang thai không nên ăn vì gan có hàm lượng vitamin A cao, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi.
Vitamin B12
Vitamin B12 có nhiệm vụ tăng cường sức khỏe cho tế bào máu và tế bào thần kinh. Đây là dưỡng chất có trong sản phẩm động vật và trong men, như trong gan, trứng, sữa, thịt, cá, ngũ cốc. Liều khuyến cáo là 1,50µg/ ngày cho người lớn, riêng nhóm phụ nữ đang nuôi con cần thêm 0,5µg/ngày. Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây bệnh thiếu máu, ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ thần kinh. Nếu dùng đến ngưỡng 3mg/ngày ở người lớn cũng không gây độc cho cơ thể.
Biotin
Biotin là dưỡng chất rất cần cho cơ thể để làm tan mỡ, có nhiều trong trứng, sữa, sản phẩm sữa, ngũ cốc, cá, rau củ quả. Cơ thể cần một lượng nhỏ biotin và thường do khuẩn trong ruột sản xuất ra nên không cần phải bổ sung thêm.
Pantothenic acid
Đây là loại axít rất cần để giúp cơ thể sản xuất năng lượng từ thức ăn đầu vào. Có nhiều trong thực phẩm như thịt, ngũ cốc, đậu đỗ và rất ít khi phát hiện thấy cơ thể thiếu hụt nguồn dưỡng chất này.
"Chuối là thực phẩm có chứa carbohydrates, Vitamin B, và 3 loại đường tự nhiên cộng thêm chất xơ. Rất tốt để bồi bổ năng lượng."

Tagged:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét