Người
cao tuổi ít hoạt động so với thời trẻ. Mắt nhìn kém, tai nghe kém, mũi
ngửi kém, lưỡi không nhạy, ảnh hưởng đến việc ngon miệng. Các cơ quan
tiêu hóa hoạt động cũng kém trước. Hàm răng yếu, nhai cắn thức ăn khó
khăn. Tuyến nước bọt bị teo, thiếu nước bọt nên nuốt khó. Dạ dày và ruột
cũng teo đi. Dịch vị giảm, lượng men tiêu hóa giảm. Hoạt động của gan,
thận yếu đi, khả năng lọc còn 60% gây ứ các chất thải ở máu. Ăn khó
tiêu. Nhu động của ruột giảm dễ gây táo bón...
Tóm
lại, ở người cao tuổi tất cả đều ảnh hưởng đến sự tiêu hóa hấp thu thức
ăn, vì thế, người cao tuổi cần có một chế độ ăn uống hợp lý.
Giảm mức ăn so với thời trẻ: ăn giảm cơm
Nhu
cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm
30% so với người 25 tuổi. Do đó, tự nhiên người già đều ăn giảm đi.
Nhưng có một số người, tuy tuổi đã cao vẫn cảm thấy ngon miệng nên ăn
thừa, người quá mập.
Người
quá mập, mỡ bọc các cơ quan nội tạng dễ dẫn đến suy tim, suy gan, suy
thận. Cho nên, người nhiều tuổi cần chú ý giảm mức ăn so với thời trẻ.
Trước đây, mỗi bữa ăn ba, bốn bát cơm, nay chỉ nên ăn hai bát, thậm chí
một bát. Chú ý theo dõi cân nặng của mình. Cân nặng của người cao tuổi
không nên vượt quá số cm của chiều cao trừ đi 105.
Ví dụ: người có tuổi cao 165cm, cân nặng không nên vượt quá 60kg.
Ăn giảm thịt, giảm đường, giảm muối
Ngoài
việc giảm cơm, đối với những gia đình khá giả có mức ăn cao, các cụ cần
chú ý tự giảm ăn thịt, giảm món ăn mỡ, giảm đường theo khuyến cáo của
tháp dinh dưỡng cân đối. Thịt tính bình quân không vượt quá 1,5kg/người
trong một tháng, mỡ dưới 600g, đường dưới 500g. Đối với tất cả mọi
người, cần vận động ăn giảm muối. Bắt đầu dưới 300g/người/tháng. Rồi rút
dần xuống dưới 200g vì ăn muối nhiều có liên quan đến bệnh cao huyết
áp.
Tóm lại, người có tuổi cần ăn giảm cơm, giảm thịt, mỡ, giảm đường, bánh kẹo, nước ngọt và chú ý ăn nhạt hơn.
Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá
Ở
người có tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm kém nên dễ xảy ra tình trạng
thiếu đạm. Trong đậu, lạc, vừng và cá có nhiều đạm, nhiều dầu giúp đề
phòng các bệnh về tim mạch. Vì thế, người nhiều tuổi nên ăn nhiều món từ
đậu tương như: đậu phụ, sữa đậu nành...
Ở
mỗi gia đình nên có một lọ vừng, lạc để có một món ăn chế biến sẵn bổ
sung cho bữa ăn hàng ngày. Mỗi tuần ăn 2-3 bữa cá. Nên ăn cá nhỏ, kho
nhừ để ăn được cả xương, có thêm can xi đề phòng bệnh xốp xương ở người
cao tuổi. Đậu, lạc, vừng, cá vừa có tác dụng phòng chống các bệnh tim
mạch và nhất là đậu phụ có tác dụng phòng chống ung thư. Tim mạch và ung
thư là hai bệnh chính gây tử vọng ở người cao tuổi.
Ăn nhiều rau tươi, quả chín
Ở
người nhiều tuổi, sức co bóp của dạ dày giảm, nhu động ruột giảm, dẫn
đến táo bón. Khi táo bón kéo dài, vi sinh vật gây thối rữa phát triển
tạo ra nhiều hơi trong ruột gây đầy bụng. Cơ hoành bị đẩy lên gây khó
thở và trở ngại cho hoạt động của tim. Cho nên người có tuổi cần chú ý
ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón.
Các
chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như cái chổi quét hết cholesterol
thừa đẩy ra theo phân giúp cơ thể dễ phòng xơ vữa động mạch. Ăn rau
tươi, quả chín cũng góp phần tăng cảm giác no khi ta ăn bớt cơm và điều
quan trọng hơn là rau quả cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng hết
sức quan trọng đối với người cao tuổi là các vitamin và chất khoáng.
Sử dụng hợp lý thực phẩm dùng cho người cao tuổi
- Gạo: chọn gạo dẻo, không xát quá trắng.
-
Khoai, củ: người cao tuổi nên ăn bớt cơm và thay bằng khoai. Chú ý:
khoai sọ không gây béo mà lại có nhiều chất xơ giúp chống táo bón, thải
cholesterol thừa và đề phòng ung thư đại tràng.
- Đậu phụ, sữa đậu nành, sữa chua từ đậu nành vừa bổ, vừa giúp đề phòng các bệnh tim mạch và ung thư.
-
Lạc, vừng: giàu chất đạm, chất béo, nhiều acid béo không no. Mỗi gia
đình nên có lọ muối vừng lạc nhạt để ăn dần, bổ sung vào bữa ăn hàng
ngày.
-
Rau: bữa nào cũng cần có món rau, đặc biệt là các loại rau lá xanh có
nhiều bêta - caroten kể cả trong các bữa tiệc cũng phải có món rau.
- Quả chín rất quý, cần tạo thói quen dùng quả tráng miệng sau bữa ăn.
- Thịt,
cá: người nhiều tuổi cần ăn giảm thịt, chỉ cần trung bình 1,5kg thịt
một tháng. Nên ăn cá nhiều hơn, ba bữa một tuần. Cá nhỏ kho nhừ, ăn cả
xương.
- Trứng bổ nhưng không nên lạm dụng. Trung bình 3 quả 1 tuần.
-
Sữa bổ dễ tiêu. Đặc biệt, sữa chua vừa bổ vừa có tác dụng điều hòa hoạt
động của bộ máy tiêu hóa. Nếu có điều kiện mỗi ngày nên uống một cốc
sữa chua.
-
Mật ong: có tác dụng tốt trong các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, đại
tràng, các trạng thái suy yếu gan, thần kinh; nhưng người có tuổi cần
giảm chất ngọt (không quá 20g đường mỗi ngày).
-
Mắm: là món ăn ngon được nhiều người ưa thích nhưng đối với người cao
tuổi không nên ăn thường xuyên, mỗi lần ăn cũng nên dùng ít vì lượng
muối trong mắm rất cao, không thích hợp với cơ thể người cao tuổi.
- Muối: Có liên quan đến bệnh huyết áp cao, tai biến mạch máu não, nên ăn hạn chế. Khi nấu ăn cũng nên giảm lượng muối.
- Dưa: Muối xổi, dưa góp, dưa giá lên men lactic giúp ăn ngon miệng. Canh dưa là món ăn được ưa thích.
-
Rượu: Người có tuổi có nhiều nguy cơ bị tai biến mạch máu não, nhồi máu
cơ tim, cho nên rượu kể cả rượu thuốc là một đồ uống nên tránh sử dụng
đều đặn hàng ngày. Đối với người có tuổi khỏe mạnh, rượu nhẹ loại lên
men như rượu vang, bia trong những ngày vui có thể cho phép dùng với
liều nhỏ.
Cách ăn của người cao tuổi
- Ăn
uống điều độ: Tránh ăn quá no, đặc biệt buổi tối trước khi đi ngủ và
khi có bệnh ở hệ tim mạch. Chú ý những ngày lễ tết thường ăn quá mức
bình thường và vui quá chén.
-
Chế biến các món ăn hỗn hợp có nhiều gia vị, kích thích ăn ngon miệng,
làm thức ăn mềm, nấu nhừ. Chú ý đến món canh. Cần quan tâm đến răng
miệng và sức nhai, nuốt của người nhiều tuổi khi chế biến thức ăn vì
tuyến nước bọt và hàm răng của người nhiều tuổi hoạt động kém, vấn đề
nhai và nuốt thức ăn gặp khó khăn.
-
Chú ý đảm bảo nước uống cho người cao tuổi: Cho người cao tuổi uống
nước trắng hoặc nước chè. Hạn chế uống nước ngọt. Người cao tuổi hay
quên, một số mất cảm giác khát. Cho nên cần xây dựng thành chế độ uống
nước của người già và theo dõi việc thực hiện. Ví dụ: sáng uống hai cốc,
trưa hai cốc, chiều hai cốc. Tránh uống nhiều nước buổi tối.
- Chú ý các thức ăn nguồn thực vật vì nếu biết cách chọn lựa, chế biến khéo sẽ tạo ra các món ăn ngon, bổ, dễ tiêu, giá rẻ.
- Cần đảm bảo vệ sinh trong chế biến món ăn và giữ gìn vệ sinh ăn uống. Thức ăn, nước uống là nguồn gây bệnh.
Tóm
lại, cần đảm bảo cho người cao tuổi được ăn uống thoải mái, tìm được
nguồn vui trong bữa ăn hàng ngày. Nguồn vui được tạo ra từ sự chăm sóc,
tình cảm của người thân trong gia đình quan tâm đến vấn đề ăn uống, chế
biến các món ăn mà người cao tuổi yêu thích. Nguồn vui còn do bản thân
người cao tuổi biết cách giữ gìn, ăn uống điều độ.
Hoạt
động thể chất (đi bộ đều đặn hàng ngày), hoạt động trí óc, sự cởi mở,
quan hệ tốt với mọi người,... đều góp phần giúp cho con người thanh
thản, thoải mái, ăn ngon, ngủ sâu, tiêu hóa hấp thu tốt.
Theo :
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét